GHÉP XƯƠNG LÀ GÌ? KHI NÀO CẦN GHÉP XƯƠNG?

GHÉP XƯƠNG LÀ GÌ? KHI NÀO CẦN GHÉP XƯƠNG?

Ghép xương là một thủ thuật rất thường gặp khi điều trị nha chu hoặc cấy Implant. Nhưng bản thân 2 chữ “ghép xương” đôi khi lại gây lo sợ với đa số bệnh nhân. Hầu hết mỗi lần nghe nhắc đến từ “ghép xương” bệnh nhân đều hốt hoảng và e dè vì nghĩ rằng ghép xương rất đáng sợ, đau, sưng, thậm chí… giảm tuổi thọ…

Thật ra, ghép xương không quá đáng sợ như “những lời truyền miệng” và khi nào thì phải ghép xương?

Câu trả lời rất đơn giản. Khi nào thiếu xương thì sẽ ghép xương! Chẳng hạn như:

  1. Khi răng mất lâu ngày xương bị tiêu nhiều.
  2. Khi răng thật trước đó bị nhiễm trùng lớn dẫn đến khuyết hổng xương.
  3. Khi bị tai nạn gãy răng, gãy luôn một phần xương.
  4. Hoặc có khi do cơ địa, xương vốn mỏng, yếu hoặc ít.

Bác sĩ cấy Implant vào xương, sau một thời gian nếu Implant kết nối vững chắc vào xương (tích hợp) thì chiếc răng sau này mới thực hiện được chức năng ăn nhai. Phải bảo đảm đủ xương mới đạt được sự vững ổn lâu bền này. Với những trường hợp đơn giản, có thể ghép xương cùng lúc với cấy ghép implant. Với những trường hợp xương quá thiếu, có thể phải ghép xương trước, chờ một thời gian ổn định mới có thể cấy ghép implant.

Ngoài ứng dụng chính trong implant, ghép xương còn có thể sử dụng trong các phẫu thuật nha chu. Răng bị lung lay do vôi răng, tiêu xương nhiều. Sau khi phẫu thuật lật vạt, nạo sạch các túi nha chu, bác sĩ có thể ghép xương, giúp răng cứng chắc lại, bảo tồn răng thật. 

Xương được ghép là xương gì?

Nhìn chung có 4 loại chính:

  • Xương tự thân (Autograft): Lấy xương của chính bệnh nhân từ một chỗ khác ghép vào chỗ thiếu hổng cần ghép. Ví dụ như thiếu đoạn xương hàm có thể dùng xương mác ở chân ghép vào, hoặc ghép xương góc hàm…vv… Lợi điểm là tính tương thích cao. Khuyết điểm là trên người sẽ có 2 vùng phẫu thuật cùng lúc, đau hơn, mệt hơn.
  • Xương đồng loại (Allograft): Lấy xương người khác, sau khi xử lý rồi ghép vào người cần ghép xương.
  • Xương dị loại (Xenograft): Xương loài vật khác (vd: xương bò) được xử lý sau đó ghép vào người cần ghép xương.

Xương đồng loại và xương di loại không được dùng nhiều vì nhiều lý do: lo ngại về nhiễm khuẩn, vấn đề đạo đức, vấn đề thích nghi dung nạp…

  • Xương tổng hợp (Xương nhân tạo, Synthetic bone graft):  Đây là loại xương thường dùng nhất trong nha khoa. An toàn, tác dụng tốt.

Tham khảo thêm các loại xương tổng hợp

Xương được ghép vào làm gì?

Xương ghép thường có 2 chức năng chính: hướng dẫn tạo xương và kích thích tạo xương. Nó đóng vai trò bộ khung, kích thích và hướng dẫn xương thật của chúng ta “mọc” vào đúng vị trí, từ đó xương ghép sẽ từ từ tiêu đi.

Phẫu thuật ghép xương có “đáng sợ” không? Hoàn toàn không. Bệnh nhân có thể sưng vài ngày sau phẫu thuật, đó là phản ứng hoàn toàn bình thường của cơ thể. Tất cả vì một implant vững ổn, “trường tồn với thời gian”.

BS CKII NGUYỄN QUANG VIỆT

Nguồn: Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP.HCM

Tin tức khác